Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
89265

Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y - dược, thành tựu và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015

Đăng lúc: 09:47:16 03/12/2015 (GMT+7)

Trong xã hội hiện đại, vai trò của khoa học - công nghệ (KH&CN) ngày càng trở nên quan trọng. Những tiến bộ như vũ bão của KH&CN trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ Nano, tự động hoá đã làm thay đổi căn bản về tư duy và chiến lược của nhiều quốc gia. Không ai còn có thể hoài nghi về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế toàn cầu và của mỗi quốc gia. Trong xu thế ấy, bất kỳ quốc gia nào hay địa phương nào khi xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển cũng phải chú ý tới vai trò đặc biệt của KH&CN và mối quan hệ mật thiết của chúng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

 Y - Dược là một ngành khoa học, một khoa học có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt cao cả, đó là chăm sóc sức khoẻ cho con người - mục tiêu và động lực của quá trình phát triển; Quá trình phát triển do chính con người thực hiện và nhằm mục đích nâng cao chất lượng đời sống con người. Vì vậy việc nghiên cứu phát triển cũng như ứng dụng các thành tự mới về Kh&CN trong lĩnh vực Y tế cần được hết sức coi trọng. Trong những năm qua, ngành Y tế Thanh Hoá đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ có vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Kỹ thuật siêu âm mầu 4D đã đưa chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh lên một vị thế mới, giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh các cơ quan trong cơ thể ở dạng không gian 3 chiều với thời gian thực, cho phép phân tích chính xác quá trình phát triển bào thai, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của thai nhi trong thời kỳ mang thai để có hướng xử trí tích cực và nhiều ứng dụng chẩn đoán khác; Siêu âm Doppler đã trở thành kỹ thuật thăm dò không thể thiếu được đối với chuyên khoa tim mạch. Các thành tự mới trong công nghệ Laser được ứng dụng mạnh mẽ trong phẫu thuật, điều trị các bệnh da liễu, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng,...Với sự trợ giúp của các thiết bị quang học hiện đại, kỹ thuật nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật đã được các bệnh viện ứng dụng nâng cao chất lượng chẩn đoán, giảm thiểu tổn thương trong phẫu thuật, rút ngắn thời gian điều trị, sớm phục hồi sức khoẻ cho người bệnh. Máy chụp mạch số hoá xóa nền, máy chúp cộng hưởng từ là kết quả của thành tựu khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực: Vật lý, Công nghệ thông tin ....đã hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh lý về xương khớp, sọ não, tim mạch - lồng ngực ...Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, nhờ được trang bị máy thận nhân tạo đã triển khai được kỹ thuật chạy thận nhân tạo, những bệnh nhân bị suy thận có cơ hội được điều trị tại tỉnh với chi phí hợp lý. Trong thời gian tới sẽ xúc tiến thành lập trung tâm thận nhân tạo thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh. Trong lĩnh vực xương khớp, chấn thương: Với sự hỗ trợ của máy cộng hưởng từ, CT-Scanner, máy điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio, đã triển khai thành công các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, thay khớp háng nhân tạo, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật sọ não lấy máu tụ dưới màng cứng trong các trường hợp chấn thương, phẫu thuật lấy máu tụ nội sọ. Tại bệnh viện Nhi với sự trợ giúp của hệ thống tim phổi nhân tạo đã bước đầu triển khai được kỹ thuật mổ tim hở, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em. Tại bệnh viện Phụ Sản nhờ được đầu tư hệ thống thiết bị hỗ trợ sinh sản, từ năm 2008 đã triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đến nay đã có 41 cháu ra đời bằng phương pháp này. Trong chuyên khoa Mắt, với việc ra đời của hệ thống máy phaco đã thay thế phương pháp mổ đục thuỷ tinh thể truyền thống bằng phương pháp phaco với nhiều ưu điểm: Thời gian mổ và phục hồi sau mổ ngắn, thị lực sau mổ tốt hơn; Bệnh viện Mắt cũng đã bắt đầu xúc tiến triển khai điều trị khúc xạ bằng phẫu thuật lasik (Dùng tia laser Excimer). Ứng dụng công nghệ thông tin cũng lã một trong những giải pháp được ngành y tế quan tâm trú trọng. Từ năm 2005 đến nay, rất nhiều phần mềm tin học hỗ trợ cho công tác quản lý đã được ứng dụng trọng quản lý tổng thể hoặc quản lý từng phần hoạt động bệnh viện: Quản lý bệnh nhân khám bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý cận lâm sàng, quản lý dược - vật tư, quản lý bảo hiểm y tế, quản lý tài chính bệnh viện, quản lý nhân lực,...

  Song song với việc ứng dụng công nghệ qua đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại; Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng đã được ngành y tế chú trọng. Các đơn vị trong ngành đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, phối hợp nghiên cứu các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước. Mỗi năm có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, 3-5 đề tài cấp tỉnh được triển khai và nghiệm thu.

  Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng khoa KH&CN vào công tác, chất lượng hoạt động chuyên môn không ngừng được tăng lên, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện toàn tỉnh tăng từ 112,1% năm 2004 lên 159,2% năm 2009; ngày điều trị trung bình từ 8,63 ngày năm 2004 giảm xuống còn 7,7 ngày vào năm 2009. Công tác phòng chống dịch đạt được những kết quả tốt, dịch bệnh được phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi. Nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình có nhiều tiến bộ, góp phần sớm đạt được mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

  Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn tới, từ nay đến năm 2015, ngoài các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, một trong những giải pháp có tính đột phá đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào y tế. Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, cần tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, tiếp thu các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đối với một số bệnh viện tuyến tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Nhi và một số bệnh viện chuyên khoa khác. Đảm bảo đến năm 2015 các bệnh viện này có thể thực hiện được tất cả các kỹ thuật theo phân tuyến quy định. Riêng đối với 3 bệnh viện là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Nhi  có thể thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trung ương trong một số chuyên ngành: Tim mạch can thiệp, chẩn đoán và điều trị Ung bướu, Huyết học và truyền máu, chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán sàng lọc sớm các dị tật bẩm sinh cảu thai nhi trong thời kỳ thai nghén, hỗ trợ sinh sản điều trị hiếm muộn, phẫu thuật nội soi lồng ngực... Trong lĩnh vực Nhi khoa tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong mổ tim điều trị bệnh tim bẩm sinh; Nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị các bệnh lý trong thời kỳ sơ sinh; Chăm sóc sơ sinh non tháng, sơ sinh có cân nặng thấp và cực thấp. Chẩn đoán sàng lọc một số bệnh lý bẩm sinh di truyền tiến tới quản lý, tư vấn và điều trị, nâng cao chất lượng sống cho trẻ. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung ưu tiên đẩy mạnh ưúng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực sàng lọc máu, tăng cường sản xuất và cung cấp các chế phẩm máu cho phẫu thuật và điều trị, triển khai điều trị bệnh lý về máu. Mở rộng ứng dụng các kỹ thuật điều trị tim mạch can thiệp: đặt dù, coil, can thiệp điều trị bệnh lý mạch vành cấp và mạn tính, phát triển các kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim; Trong lĩnh vực chấn thương - sọ não tiếp tục ứng dụng mở rộng kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp điều trị bệnh lý khớp và cột sống, phẫu thuật khối u sọ não, phẫu thuật chỉnh hình. Trong thời gian từ nay đến năm 2015 triển khai hoàn chỉnh Trung tâm điều trị Ung bướu với các phương pháp điều trị bằng phóng xạ, hoá chất, phẫu thuật để giải quyết phần lớn bệnh nhân Ung bướu trong tỉnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm phiền hà cho người bệnh. Thành lập và mở rộng Trung tâm thận nhân tạo với quy mô tối thiểu 50 máy đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận nhân tạo của bệnh nhân suy thận. Tại bệnh viện Phụ Sản tiếp tục ứng dụng các công nghệ cao trong hỗ trợ sinh sản như: Thực hiện tiêm tinh trùng vào buồng trứng (ICSI), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng với tinh trùng sinh thiết từ mào tinh (PESA-ICSI), ngân hàng tinh trùng, hỗ trợ phôi thoát màng,...

  Đối với bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cơ sở, trọng tâm là tiếp thu, làm chủ các kỹ thuật trong phạm vi phân tuyến quy định, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ tuyến tỉnh trên cơ sở chọn lọc ưu tiên phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong lĩnh vực y học dự phòng cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử phục vụ chẩn đoán phân lập chính xác các chủng vi rút, vi khuẩn gây dịch, các phương pháp giúp giám sát phát hiện dịch chủ động, các kỹ thuật, thiết bị phục vụ kiểm dịch biên giới, giám sát đo lường, kiểm dịch vệ sinh môi trường lao động, giám sát kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm ...

  Đối với lĩnh vực Y - Dược học cổ truyền, cần tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu công nghệ mới vào chẩn đoán, điều trị, sản xuất, bào chế dược liệu theo phương châm kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc nhằm nâng cao tính khoa học, xác thực trong chẩn đoán; Rút ngắn thời gian điều trị bằng y học cổ truyền; Tăng tính thuận tiện trong sử dụng thuốc và tuân thủ điều trị thông qua việc bào chế, sản xuất các dạng thuốc phù hợp bằng thiết bị công nghệ mới.

  Trong lĩnh vực dược - vật tư, trang thiết bị y tế cần tiếp tục tiếp thu ứng dụng các công nghệ mới trong vào sản xuất thuốc và vật tư tiêu hao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; Nghiên cứu cải tiến các phương pháp sản xuất, bào chế thuốc để tăng năng suất và hiệu quả, hạ giá thành sản phẩm. Từng bước tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiến tới hình thành trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu của các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.

  Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, trước hết ngành y tế cần nâng cao năng lực nội sinh về KH&CN, tức là nâng cao khả năng tìm kiếm, lựa chọn hợp lý, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các thành tự KH&CN mới, vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương. Các đơn vị trong ngành cần tiếp tục phát huy tính tự chủ, năng động trên cơ sở thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Hàng năm các đơn vị cần đảm bảo tỉ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học theo quy định, sử dụng tốt nguồn kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

  Ngoài việc tự chủ, phát huy nội lực của mình để đẩy nhanh tốc độ phát triển chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu về y tế trong khu vực Bắc Trung Bộ thì ngành y tế rất cần sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của các cấp chính quyền trong tỉnh, sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ cùng các ban ngành liên quan.

  Đảng và nhà nước ta đã khẳng định phát triển kH&CN cùng với sự phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Y tế với nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc sức khoẻ con người, động lực chính của sự phát triển, vì vậy phát triển KH&CN trong lĩnh vực y tế là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Th.sĩ  Hoàng Sĩ Bình - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá